Giới thiệu Bộ môn Tài chính - ngân hàng
GIỚI THIỆU TỔNG QUAN BỘ MÔN TÀI CHÍNH – NGÂN HÀNG
Bộ môn Tài chính ngân hàng đảm nhiệm việc đào tạo nhân lực cho ngành Tài chính - Ngân hàng bậc học Cao đẳng. Bộ môn cũng có nhiệm vụ phụ trách các học phần có liên quan đến lĩnh vực Tài chính ngân hàng cho sinh viên các nhóm ngành Kinh tế.
Triển vọng ngành nghề:
Nhóm ngành tài chính nói chung và Tài chính - Ngân hàng nói riêng liên quan đến tất cả các dịch vụ giao dịch tài chính, lưu thông và vận hành tiền tệ. Đây là nhóm ngành nghề mang tính đặc thù và đóng vai trò vô cùng quan trọng trong mọi hoạt động của các đơn vị, tổ chức kinh doanh và các định chế tài chính (điển hình là các ngân hàng thương mại).
Trong nhiều năm qua, phần lớn sinh viên ngành Tài chính ngân hàng trường Cao đẳng Cần Thơ đã nhanh chóng khẳng định bản thân ở những vị trí cao trong nghề nghiệp. Cựu sinh viên các khóa hiện đều có mặt trong hầu hết các bộ phận tại các ngân hàng danh tiếng như Vietcombank, Sacombank, Teachcombank, Á châu,,.. cũng như giữ các vị trí như nhân viên kinh doanh, kế toán viên,…tại các doanh nghiệp thuộc nhiều ngành nghề khác nhau.
Khung chương trình đào tạo
Trong thời gian đào tạo 2,5 năm, người học được trang bị những kiến thức và kỹ năng chuyên môn về kinh tế, tài chính, tiền tệ, kế toán và quản trị kinh doanh cũng như rèn luyện các kỹ năng phân tích, đánh giá các hoạt động tài chính tại các tổ chức kinh tế, tài chính; tư vấn tài chính và lập kế hoạch tài chính Ngoài ra, sinh viên còn được tổ chức học tập để nhận chứng chỉ tiếng Anh tối thiểu là trình độ A2 và chứng chỉ ứng dụng công nghệ thông tin cơ bản.
Cụ thể, những kiến thức chuyên ngành như sau:
- Quản trị tài chính: Giúp sinh viên có cái nhìn khái quát về vấn đề tài trợ và đầu tư của doanh nghiệp, về giá trị thời gian của dòng tiền, về mối quan hệ giữa rủi ro và lợi nhuận trong đầu tư tài chính, về các mô hình định giá chứng khoán, về quản trị vốn lưu động và đòn bẩy trong doang nghiệp; hiểu và phân biệt được các loại chi phí vốn thành phần và chi phí sử dung vốn bình quân trong doanh nghiệp; biết được nội dung và tiến trình của hoạch định ngân sách vốn đầu tư; hiểu các vấn đề liên quan đến chính sách phân chia cổ tức, sát nhập và mua lại doanh nghiệp.
- Phân tích Báo cáo tài chính: giúp sinh viên hiểu được cách xây dựng và ý nghĩa của các tỷ số tài chính phổ biến; hiểu và phân tích khái quát được các Báo cáo tài chính, phân tích được cơ cấu vốn, tình hình thanh toán và hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.
- Phân tích và đầu tư chứng khoán: giúp sinh viên có những kiến thức căn bản về chứng khoán và thị trường chứng khoán, các công cụ lưu thông trên thị trường chứng khoán; nắm được các hình thức giao dịch chứng khoán từ sơ cấp đến thứ cấp; qua đó giúp cho người học biết được chủ thể tham gia vào thị trường này, cơ chế vận hành và hệ thống pháp lý của thị trường chứng khoán Việt Nam.
- Nghiệp vụ ngân hàng: giúp sinh viên hiểu biết thực hiện được các nghiệp vụ cơ bản của NHTM như: nghiệp vụ huy động vốn, nghiệp vụ tín dụng và nghiệp vụ thanh toán qua ngân hàng
- Thẩm định tín dụng: giúp sinh viên hiểu biết một cách tổng quát về các loại hoạt động thẩm định tín dụng trong ngân hàng thương mại; các phương pháp, nghiệp vụ, quy trình thẩm định tín dụng của ngân hàng thương mại như: thẩm định tín dụng ngắn hạn, thẩm định tín dụng trung và dài hạn, thẩm định tín dụng cá nhân, thẩm định tín dụng doanh nghiệp.
- Định giá tài sản: giúp sinh viên hiểu biết được phương pháp để thực hiện các công việc liên quan đến việc ước lượng, xác định giá trị của các loại tài sản của các tổ chức, doanh nghiệp hoặc cá nhân
- Quản trị rủi ro tài chính: giúp sinh viên hiểu biết những kiến thức về rủi ro trong tài chính và nhận biết rõ các phương pháp trong quản trị rủi ro; qua đó vận dụng những kiến thức từ môn học để đưa ra hướng xử lý khi phát hiện rủi ro trong thực tiễn công việc.
Ngoài kiến thức chuyên môn, sinh viên còn được rèn luyện những kỹ năng cần thiết khác như: kỹ năng làm việc độc lập và làm việc nhóm, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng thuyết phục và chăm sóc khách hàng,..
Cơ hội việc làm
Tốt nghiệp ngành Tài chính – Ngân hàng, sinh viên có thể làm việc ở các vị trí như sau:
- Chuyên viên tài chính;
- Nhân viên định giá tài sản;
- Nhân viên thẩm định tín dụng;
- Nhân viên kinh doanh chứng khoán;
- Nhân viên đầu tư tài chính;
- Kế toán viên, giao dịch viên, cán bộ tín dụng,...
Với những vị trí nghề nghiệp khá hấp dẫn như trên cử nhân ngành Tài chính Ngân hàng nói riêng và nhóm ngành tài chính nói chung không chỉ có thể dự tuyển vào các:
Ngân hàng thương mại;
Công ty tài chính, quỹ tín dụng, quỹ đầu tư;
Công ty thẩm định giá;
Công ty kinh doanh bất động sản;
Công ty bảo hiểm
và ở bất cứ doanh nghiệp hoặc cơ quan hành chính sự nghiệp có bộ phận tài chính kế toán.